Giới thiệu chung Xã
Ngày 24/04/2020

Media/229_TayTien/Images/001f05ca685-5-e.jpg

​​​​​​Thông tin giới thiệu xã, phường.

  • Đông giáp: xã Nam Cường
  • Tây giáp : xã Tây Phong
  • Nam giáp : xã Nam Chính và xã Nam Thắng
  • Bắc giáp xã: Đông Lâm

Địa lý: vị trí địa lý

Xã Tây Tiến cách thị trấn Tiền Hải khoảng 5 km về phía Tây nam. Phía Đông Giáp xã Đông Lâm và xã Nam Cường, phía bắc giáp xã Tây Giang, phía tây giáp xã Tây Phong, phía nam giáp xã Nam Chính và Nam Thắng. Đến năm 2015, tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 537,62 ha. Trong đó đất nông nghiệp là 359,99 ha (đất sản xuất nông nghiệp 325,66 ha; đất trồng cây lâu năm 23,21 ha); đất phi nông nghiệp là 177,58 ha (đất ở 38,46 ha; đất chuyên dùng 130,39 ha; đất tôn giáo, tín ngưỡng 2,16 ha; đất nghĩa trang 6,58 ha); đất chưa sử dụng là 0,04 ha.

Dân cư trong xã có 1.057 hộ với 4.406 khẩu, cư trú ở 4 thôn là: Nguyệt Lũ, Đông Cao I, Đông Cao II và Tân Lập. Nhân dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Đạo Phật  là tôn giáo chính của nhân dân có Đạo trong xã.

Tây Tiến là vùng đất trũng, nằm giữa sông Lân và sông Kiến Giang. Có cốt đất -0,2 m - 0,7 m so với mặt nước biển. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 4 mùa trong năm. Lượng mưa trung bình khoảng 2.000mm/năm. Đất đai Tây Tiến là loại đất phù sa và đất thịt phù hợp cho thâm canh lúa nước và trồng các loại cây rau màu. Sông Lân và sông Kiến Giang là sông chính đảm nhận nhiệm vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa và cây màu.

 

Lịch sử: Quá trình phát triển:

Tây Tiến lúc mới thành lập hai làng Đông cao và Nguyệt Lũ thuộc tổng Tân An[1]

Năm 1946, hai làng Đông Cao và Nguyệt Lũ thuộc xã Tân Tiến.

Năm1947, hai làng Đông Cao và Nguyệt Lũ thuộc xã Tự Tiến.

Từ năm 1949 đến năm 1955, hai làng Đông Cao và Nguyệt Lũ thuộc xã Ái Quốc[2].

Năm 1955, xã Tây Tiến được thành lập gồm hai làng Đông Cao và Nguyệt Lũ. Từ đó đến nay Tây Tiến là tên gọi của xã.

Quá trình hình thành và phát triển là một chặng đường đầy khó khăn, thử thách, nhưng cũng hết sức vẻ vang của các thế hệ, các tầng lớp nhân dân trong xã. Đảng bộ và nhân dân tự hào vì Tây Tiến là cái nôi của cách mạng, có những hạt giống đỏ đầu tiên của phong trào cộng sản. Là nơi có số thanh niên ưu tú có lòng yêu nước sớn nhất so với các địa phương trong huyện. Là một trong những nơi tổ chức cộng sản và tổ chức Đảng ra đời sớm nhất huyện. Là cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong các phong trào cộng sản và phong trào đấu tranh những năm 1925 – 1945. Là dấu son chói lọi trong phong trào đấu tranh chống đế quốc phong kiến, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 ở Tiền Hải, số đảng viên bị bắt, bị tù đầy, bị hy sinh trong nhà từ đế quốc nhiều nhất trong những làng tham gia biểu tình; Tây Tiến cũng là nơi bị giặc tàn phá khốc liệt nhất sau cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải. Là nơi đi đầu hưởng ứng phong trào dân tộc, dân chủ đòi cải cách hương thôn những năm 1936- 1939.

          Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, tổ chức Đảng lãnh đạo nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực củng cố, xây dựng chính quyền; ra sức lao động sản xuất và bảo vệ quê hương. Năm 1955, Đảng bộ xã Tây Tiến được thành lập, tiếp tục lãnh đạo nhân dân huy động các nguồn lực, cùng với nhân dân cả nước kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Hai làng Đông Cao và Nguyệt Lũ là địa phương chịu sự đánh phá khốc liệt của giặc, song nhân dân luôn kiên cường kiên cường xây dựng và bảo vệ quê hương. Năm 1952, trong trận càn "Méc-Quya" hai thôn Đông Cao và Nguyệt Lũ bị quân Pháp đốt phá hoàn toàn. Kháng chiến chống Mỹ, hai làng Đông Cao và Nguyệt Lũ tiếp tục là một trong các tọa điểm bắn phá của Đế quốc Mỹ trong chiến trang phá hoại.

Đất nước thống nhất, cán bộ, đảng viên, nhân dân Tây Tiến thi đua lao động sản xuất, tiến hành công cuộc đổi mới, ra sức xây dựng quê hương. Năm 2015 xã Tây Tiến hoàn thành 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Quốc gia nông thôn mới. Một diện mạo mới, sức sống mới mở ra trên quê hương yên bình.

Giáo dục: Trong công tác giáo dục được cấp ủy, chính quyền quan tâm sâu sát, cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở cả ba cấp học. Đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học với tổng kinh phí đầu tư cho sự nghiệp giáo dục trên 4,802 tỷ đồng. Trường Mầm non, Trường Tiểu học giữ vững chuẩn Quốc gia. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đủ về số lượng và chất lượng, 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn hóa, trong đó 82% đạt trên chuẩn. Số lượng học sinh đến trường luôn đạt tỷ lệ cao, không có học sinh bỏ học. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường Trường Mầm non đạt 95%, tăng 10,1% so nhiệm kỳ trước. Trường Tiểu học, Trường THCS luôn thực hiện tốt chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, tỷ lệ học sinh lên lớp hằng năm đạt 100%, đỗ tốt nghiệp THCS đạt 99,8%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Kinh tế:

Trong  lĩnh vực phát triển kinh tế, tổng giá trị sản xuất bình quân 5 năm đạt 178,551 tỷ đồng; tăng 16,7 %so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2010-2015) là 8,5%. Bình quân đầu người đạt 29,9 triệu đồng, tăng …… lần so với mục tiêu nghị quyết Đại hội lần 31 đề ra năm 2015 là 29,595 triệu đồng/người/năm., năm 2019 bình quân đầu người đạt 39,761 triệu đồng/người,

Tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt bình quân 5 năm đạt 32,680 tỷ đồng, trung bình tăng 2,3% (giá so sánh năm 2010). Diện tích đất nông nghiệp là 341,7 ha, trong đó: diện tích cấy lúa là 297 ha. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thay đổi cơ cấu giống với 100% các giống lúa ngắn ngày được đưa vào gieo trồng; trong đó, giống lúa chất lượng cao chiếm 65% - 70% tổng diện tích. Cùng với đó là tập trung xây dựng, chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa và cải tạo hệ thống kênh mương dẫn nước, đường giao thông nội đồng với tổng vốn đầu tư trên 1,937 tỷ đồng. Thực hiện tốt các khâu dịch vụ, phục vụ kịp thời cho các hộ sản xuất tuy nhiên do thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của cơn bão số 8 năm 2012 nên năng suất lúa bình quân đạt 118,6 tạ/ha/năm, bằng 98,8% chỉ tiêu đại hội đề ra. Sản lượng thóc bình quân mỗi năm đạt 4.042,8 tấn.